Máy bóc vỏ dừa hữu ích do hai học sinh lớp 8 sáng chế

Máy bóc vỏ dừa hữu ích do hai học sinh lớp 8 sáng chế

Xuất phát từ chính việc cha mẹ bóc vỏ dừa thủ công vừa chậm, rủi ro tai nạn lao động lại cao, hai em học sinh lớp 8 ở xứ dừa Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) sau nhiều lần nghiên cứu đã sáng tạo thành công máy bóc vỏ dừa rất hữu ích, tăng năng suất lao động.

Sáng chế này của hai em Hồ Tiến Đạt và Ngô Nguyễn Thị Đan Quỳnh, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vừa đoạt giải Nhất - Lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ V, năm 2018.

Máy bóc vỏ dừa hữu ích của hai học sinh lớp 8 giúp tăng năng suất lao động gấp 3 lần với so với thủ công.


Huyện Hoài Nhơn được xem là xứ dừa tỉnh Bình Định. Các sản phẩm từ quả dừa có giá trị kinh tế cao và cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều người địa phương. Để tạo ra những “đặc sản” từ quả dừa, công đoạn đầu tiên bóc vỏ dừa. Lâu nay, người dân sử dụng theo cách thủ công là dùng 1 cây mác gồm lưỡi dao bằng sắt gắn vào tay cầm làm bằng gỗ hoặc sắt có dạng hình trụ. Tuy nhiên, đây là phương pháp này tốn nhiều sức lực, năng suất không cao, điều đáng nói có thể gây thương tích.

Xuất phát từ thực tế gia đình, thấy cha mẹ rất khó khăn khi bóc vỏ dừa bằng phương pháp thủ công nhưng thu nhập lại không cao nên em Hồ Tiến Đạt nảy sinh ý tưởng chế tạo chiếc máy bóc vỏ dừa.

Từ tháng 8/2017, với sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn về các nguyên tắc chuyển động để ứng dụng vào thực tế thiết kế, lắp ráp máy, hai em Hồ Tiến Đạt và Ngô Nguyễn Thị Đan Quỳnh bắt đầu triển khai việc chế tạo chiếc máy bóc vỏ dừa. Sau gần 3 tháng mày mò, các em đã hoàn thành, đưa vào sử dụng máy bóc vỏ quả dừa tại hộ gia đình của Đạt.

Máy bóc vỏ dừa chế tạo và hoạt động đơn giản nhưng năng suất cao.



“Khó khăn chúng em gặp phải là lần đầu thử nghiệm máy bóc vỏ dừa không sạch và sọ dừa bị vỡ. Chúng em đã nhờ thầy giáo phụ trách bộ môn Vật lý hướng dẫn để dần khắc phục những lỗi này. Chúng em là học sinh nên không có kinh phí nên phải nhờ nhà trường và gia đình giúp đỡ. Song, em rất vui vì khi sử dụng máy này, ba mẹ em cũng như những người lao động khác sẽ tránh được các bệnh lý về cột sống, hạn chế tai nạn lao động và đỡ tốn công sức hơn”, Đạt chia sẻ.

Theo em Nguyễn Thị Đan Quỳnh, máy bóc vỏ dừa cấu tạo khá đơn giản, gồm 1 mô tơ điện công suất 1,1 kW, bộ truyền động ma sát - truyền động đai, bộ truyền động bánh răng - truyền động ăn khớp, 2 trục ru lô, thanh kim loại và cần truyền lực. Chi phí để chế tạo máy này khoảng 2 triệu đồng.

“Người sử dụng máy chỉ cần đặt quả dừa vào khoảng giữa 2 trục rulo quay ngược chiều và có cường độ lực lớn tác dụng vào vỏ quả dừa để tách vỏ riêng thành từng mảnh. Nhờ độ nghiêng của máy, sọ dừa rơi ra ngoài. Mong rằng trong thời gian tới, với gian thành thấp, sản phẩm của bọn em sẽ được áp dụng rộng rãi để giúp đỡ cho nhiều bà con xứ dừa quê em”, em Đan Quỳnh chia sẻ.

Cũng theo Đan Quỳnh, khi sử dụng máy, năng suất lao động sẽ tăng khoảng 3 lần so với dùng tay. Nếu người lao động dùng phương pháp thủ công để bóc vỏ dừa thì mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ thu được khoảng 240.000 đồng nhưng nếu sử dụng máy bóc vỏ dừa có thể lên tới 700.000 đồng/người/ngày.

Máy bóc vỏ dừa của hai em Đạt và Quỳnh vừa đoạt giải Nhất - Lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ V, năm 2018.


Ông Trần Văn Cương (xóm 1, thôn Quy Thuận, Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) phấn khởi: “Tôi làm nghề bóc vỏ quả dừa lâu rồi, khi dùng mác để bóc cũng phải trầy trật mới bóc xong một quả dừa, lắm lúc còn bị những chấn thương ở tay, đau vai, đau cột sống. Tuy nhiên, với máy bóc vỏ dừa do các cháu học sinh sáng tạo thì mọi người mọi người đều có thể sử dụng một cách dễ dàng. Trong khi đó, năng suất bóc vỏ dừa cao hơn rất nhiều, từ đó thu nhập của người dân cũng được cải thiện”.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét