Th.S Lê Văn Luân (chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu) giới thiệu nguyên lý hoạt động của máy làm đá tuyết từ nước biển |
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tổn thất sau khai thác thủy sản tại Việt Nam chiếm khoảng 20-30% sản lượng. Nghĩa là mỗi năm Việt Nam mất 700.000 tấn hải sản do bị hư hỏng, tương đương 14.000 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân là do thiết bị và công nghệ bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo phương pháp truyền thống, ngư dân sử dụng đá cây làm từ nước ngọt trên đất liên rồi xay nhỏ đưa lên tàu cá, chứa trong các khoang lạnh để bảo quản hải sản.
Diện tích bề mặt tiếp xúc của đá xay với hải sản không cao, do vậy tốc độ làm lạnh thấp, nhiệt độ bảo quản trong khoang bảo quản không đồng đều. Mặt khác đá xay có cạnh rất sắc, thường hay làm trầy xước hải sản, nhất là các loài thân mềm.
Để khắc phục hạn chế trên, nhà khoa học thuộc Trung tâm phát triển công nghệ cao (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã thực hiện đề tài: "Nghiên cứu chế tạo máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ".
Máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ vừa được VAST nghiệm thu |
Phát biểu tại buổi lễ, TS Nguyễn Văn Thao, Tổng giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ cao cho biết: Nghiên cứu phát triển các công nghệ mới phục vụ ngành nông nghiệp, đặc biệt là thủy sản luôn được các nhà khoa học trong Viện đặc biệt học quan tâm.
Với đề tài nghiên cứu “máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ” của Th.S Lê Văn Luân làm Chủ nhiệm đề tài, đã thực hiện trong vòng 18 tháng từ 2016 đến 2017 được hội đồng khoa học các cấp đánh giá xuất sắc.
Trong hai năm nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm, các nhà khoa học đã chế tạo thành công máy sản xuất đá tuyết từ nước biển, năng suất 1.250 kg/24h. Đặc biệt, họ đã làm chủ công nghệ chế tạo buồng tạo đá tuyết bao gồm: Tang trụ, cơ cấu gạt đá, bộ phận phun nước, hệ thống tuần hoàn nước lạnh, bộ trao đổi nhiệt sử dụng hệ thống máy nén một cấp, phù hợp với điều kiện tàu cá Việt Nam.
Máy sản xuất đá tuyết được lắp đặt có quy trình vận hành đơn giản, tự động hóa trong việc điều chỉnh thời gian, nhiệt độ bảo quản phù hợp với quy trình bảo quản hải sản. Người sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn và điều chỉnh độ đậm đặc của sản phẩm đá tuyết trong dải từ 25% đến 95% hoặc theo nhiệt độ xác định.
Đặc biệt máy còn hiển thị, thông báo thời gian máy chạy, sản lượng đá, lượng tiêu thụ nhiên liệu trong mỗi chuyến đi biển giúp chủ tàu có thể kiểm tra và theo dõi một cách dễ dàng.
Sản phẩm đã trả qua thử nghiệm tại cảng biển và trên tàu cá của vùng biển Hải Phòng cho thấy máy chạy ổn định, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tới gian tới nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu máy có năng suất lớn hơn với nhiều cải tiến và đối tượng hướng đến là cá ngừ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU...
Trung tâm Phát triển Công nghệ cao và Tổng đội Thanh niên Xung phong Hải Phòng ký kết thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Diễn - Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên Xung phong Hải Phòng cho biết: Hiện nay có hàng ngàn tàu thuyền đang đánh bắt ở xung quanh Vịnh Bắc Bộ trong đó khó khăn nhất của các ngư dân đó là vấn đề bảo quản hải sản đảm bảo các tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới đưa ra.
Hiện tại đa số dùng phương pháp ướp đá lạnh và phải đưa từ đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ với khoảng cách trên 100 km nên chi phí sản xuất,vận chuyển, hao hụt là rất lớn, chưa kể đến tài nguyên nước ngọt trên các đảo là hạn chế. Trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng ít đi và khan hiếm đã dẫn đến chi phí đánh bắt của ngư dân cũng ngày càng tăng lên, gây khó khăn cho địa phương trong phát triển làm kinh tế biển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
“ Để công nghệ được ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả thì rất cần thêm sự hỗ trợ của nhà nước. Vì huyện đảo thường thiếu nước ngọt và điện, việc sử dụng nước biển để sản xuất đá đã giúp các đảo tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước ngọt tuy nhiên nguồn điện vẫn khó khăn ở các đảo. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo ở các đảo để góp phần giảm chi phí đánh bắt hải sản của các ngư dân cũng như góp phần vào phát huy chủ quyền biển đảo trên toàn quốc”, ông Diễn chia sẻ.
0 Nhận xét